Biểu tượng văn hóa đọc của Đà Nẵng

Sau 7 tháng triển khai chỉ đạo của Bí thư thành ủy Đà Nẵng, công trình Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố về cơ bản đã hoàn thiện kiến trúc. Dựa trên vị trí sẵn có, thư viện mới sẽ thoáng đãng, thanh lịch và khá hiện đại, xứng đáng là công trình văn hóa trọng điểm của thành phố.

Sẵn sàng khởi công

Tọa lạc tại vị trí đắc địa nhất Đà Nẵng, trước mặt là dòng sông Hàn thơ mộng cùng cảnh quan thoáng đãng, Thư viện Khoa học tổng hợp từ lâu trở thành biểu tượng văn hóa đọc của người dân thành phố. Tuy nhiên, theo thời gian, thư viện đã xuống cấp và chật hẹp so với nhu cầu của đông đảo bạn đọc.

Từ khi có kết luận của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trần Thọ vào tháng 2-2014 về việc không di dời Thư viện Khoa học tổng hợp mà giữ nguyên ở vị trí cũ và cải tạo nâng cấp, mở rộng, các cơ quan, ban, ngành liên quan đã ráo riết thực hiện dự án. Lãnh đạo thành phố cũng vào cuộc chỉ đạo, ban hành nhiều quyết định kịp thời. Cụ thể, ngày 4-6 vừa qua, UBND thành phố đã có thông báo số 139 thống nhất chủ trương cải tạo, nâng cấp thư viện trên khu đất hiện trạng với kinh phí thực hiện khoảng 30 tỷ đồng. Ngày 12-7, UBND thành phố có Thông báo số 6064 thống nhất đề xuất của Sở Xây dựng về việc mời Công ty JiNa - Hàn Quốc lập phương án kiến trúc cải tạo thư viện theo tiêu chí đơn giản, hiện đại, thanh lịch.

Ngày 28-8, Thường trực Thành ủy kết luận đồng ý chủ trương chọn phương án kiến trúc do Công ty JiNa đề xuất. Theo phương án này, Thư viện Khoa học tổng hợp sẽ được xây mới toàn bộ với tổng diện tích xây dựng 3.244m2, diện tích khu nhà 1.927m2 trên tổng diện tích khu đất 7.000m2, tổng chi phí xây dựng gần 42,5 tỷ đồng.

Để công trình hoàn thành trong tháng 8-2015 chào mừng Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI, Thường trực Thành ủy yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở VH-TT&DL, Sở Xây dựng, Văn phòng UBND thành phố ưu tiên xem xét, giải quyết nhanh các hồ sơ, thủ tục liên quan đến việc thẩm định dự án, thiết kế công trình; đồng thời tham mưu, đề xuất cân đối nguồn vốn, nếu cần thiết sử dụng nguồn vốn dự phòng; lựa chọn nhà thầu, đơn vị thi công để kịp hoàn thành và tổ chức khởi công trong tháng 11 năm nay.

Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, lãnh đạo Thư viện Khoa học tổng hợp cũng đã lên kế hoạch di dời các đầu sách, cơ sở vật chất về trụ sở HĐND thành phố. Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc Thư viện Khoa học tổng hợp cho biết: “Tất cả giá sách, sách, báo, tài liệu, cơ sở vật chất… đang được thu dọn, chờ chuyển đi để đến ngày 20-10 bàn giao mặt bằng cho bên thi công. Chúng tôi cũng đã đề nghị được sử dụng diện tích 930m2 của HĐND thành phố để tiếp tục công tác phục vụ bạn đọc”.

Không gian đọc lý tưởng

Theo thuyết minh của Công ty Jina, Thư viện Khoa học tổng hợp có vị trí đắc địa: nằm giữa hai công trình kiến trúc - cầu Rồng và Trung tâm Hành chính thành phố. Vì vậy, thư viện được thiết kế dựa trên ý tưởng sự liên kết chuỗi chuyển động linh hoạt của không gian kiến trúc thành phố; kết hợp giữa nền tảng có sẵn và ý tưởng mới, thiết kế hướng tới ý tưởng tạo môi trường sáng tạo và sự vươn xa.

Công trình Thư viện Khoa học tổng hợp được chia 2 khu, gồm thư viện và khu hành chính tổng hợp. Khu thư viện (2.747m2) gồm 2 tầng, tầng 1 có 6 phòng, gồm các phòng đọc, tra cứu…; tầng 2 gồm phòng hội nghị, khu mượn sách tự chọn, phòng đọc chính, phòng đọc báo và tạp chí. Ngoài ra, trước mặt khu này là khu vực công cộng có diện tích 574m2, hướng ra sông Bạch Đằng, được bố trí quán cà-phê. Cổng chính được thiết kế theo hướng mở, thân thiện, hài hòa với cảnh quan bên ngoài và thiết kế bên trong.

Khu hành chính tổng hợp có diện tích 497m2, gồm 2 tầng, là nơi làm việc của các phòng ban và công tác phục vụ bạn đọc. Riêng phòng CLB tiếng Pháp tách biệt với vị trí khu đất xây dựng công trình mới, nên được đề nghị giữ nguyên.

Theo chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, Công ty JiNa đã điều chỉnh thiết kế theo hướng không phá vỡ hiện trạng cây cối trên nền đất cũ để tạo không gian xanh mát; bố trí thêm các cửa sổ tại các phòng đọc ở hướng Đông - hướng nhìn ra sông Hàn.

Nhận xét về công năng của công trình Thư viện Khoa học tổng hợp mới, những người trong ngành đều cho rằng, công trình cũ là một khối phân tán, nhỏ, rời rạc, dẫn đến vận hành không hợp lý. Các kho sách, phòng tạp chí, văn phòng làm việc… ở những vị trí khác nhau; nên vào mùa mưa rất khó khăn trong việc vận chuyển sách và công tác quản lý cũng gặp nhiều trở ngại. So với công trình cũ, công trình mới là một khối kép kín, linh động, đáp ứng yêu cầu của một thư viện hoàn chỉnh.

Trong khi đó, nói về công trình sắp khởi công, ông Phạm Hồng Thái phấn khởi: “Với diện tích gấp 3 lần công trình cũ, Thư viện Khoa học tổng hợp sau khi được xây dựng sẽ rất rộng rãi, tạo điều kiện thuận lợi cho chúng tôi phát triển nghiệp vụ và đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa đọc của người dân thành phố”.

“Trước đây, muốn tổ chức các sự kiện và những hoạt động lớn của thư viện cũng khó vì không có địa điểm. Sau này, với phòng hội nghị rộng 400m2, chúng tôi sẽ có cơ hội mở rộng nhiều hoạt động chuyên đề, sự kiện, phục vụ hoạt động chính trị của thành phố. Đặc biệt, với các phòng đọc rộng rãi, công tác phục vụ bạn đọc cũng sẽ chu đáo và chuyên nghiệp hơn. Thư viện mới có thể được xem là thư viện đại diện cho cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Sự quan tâm của các cấp lãnh đạo đối với biểu tượng văn hóa đọc của thành phố là động lực để cán bộ, công nhân viên thư viện cố gắng đề ra phương hướng hoạt động trong thời gian tới sao cho cái “ruột” phải xứng tầm với “vóc d&

Tư Vấn Du Lịch